Nghệ thuật truyền thống ở Đà Nẵng: Thiếu tác giả trẻ và đội ngũ sáng tạo
VHO - Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực để giữ gìn, quảng bá nghệ thuật Tuồng và Bài Chòi trên địa bàn thành phố, tìm kiếm yếu tố then chốt còn thiếu hụt để dần lấp đầy khoảng trống, nhằm nuôi dưỡng và phát huy hiệu quả hai loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Chương trình “Tuồng xuống phố” luôn được người dân và du khách yêu thích
Báo động thiếu "chất xám" chuyên ngành
Cứ vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần, sân khấu sông Hàn lại tưng bừng bởi chương trình Tuồng xuống phố do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình diễn. Trung bình mỗi đêm diễn có khoảng 40 nghệ sĩ, diễn viên tham gia với khoảng 10 tiết mục đặc sắc, gồm các trích đoạn tiêu biểu như: Bến nước tình yêu, Những cô gái Việt Nam, Ông già cõng vợ đi xem hội, Ngọn tiểu kỳ…, độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc, múa dân gian, múa Chăm.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố cũng tổ chức biểu diễn hô hát Bài Chòi, nhạc cụ truyền thống cho người dân, du khách tại khu vực phía Nam bờ đông Cầu Rồng vào các dịp cuối tuần. Theo quan sát, chương trình có sự tham dự của đông đảo người dân địa phương đủ lứa tuổi, thu hút du khách dừng chân thưởng thức. Dù công diễn ngoài trời và hoàn toàn miễn phí, nhưng không thể phủ nhận sự công phu, tâm huyết và bài bản của các đơn vị nghệ thuật trong mỗi đêm diễn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân.
Tuy nhiên về lâu dài, để nghệ thuật Tuồng và Bài Chòi luôn có chỗ đứng trong đời sống văn hóa và chiếm được vị thế nhất định trong dòng chảy xã hội thì đòi hỏi phải có đội ngũ những người hoạt động chuyên nghiệp trên lĩnh vực sân khấu, nghệ thuật. Lâu nay tại Đà Nẵng, một số vị trí quan trọng như người viết/chuyển thể kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ sân khấu, họa sĩ thiết kế... còn khá mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu. Sân khấu ca kịch ở Đà Nẵng vẫn thiếu những tác phẩm lớn mang dấu ấn riêng, chưa được đông đảo công chúng biết đến. Mỗi khi Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh dàn dựng một vở tuồng bề thế hay chương trình nghệ thuật quy mô vẫn phải tìm đến các ê kíp, tác giả ở địa phương khác để đặt hàng, mời hợp tác.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An đã thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay nghệ thuật Tuồng nói riêng và sân khấu nói chung thiếu trầm trọng tác giả trẻ tài năng viết kịch bản cũng như đội ngũ kế cận nghiên cứu lý luận sân khấu. Trong thời đại công nghệ và hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng là vô cùng khó khăn, vì vừa phải giữ được tinh hoa của bộ môn sân khấu truyền thống, vừa phải phù hợp với yêu cầu của thời đại”.
Tại buổi làm việc với các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật về gìn giữ, phát triển nghệ thuật Tuồng (diễn ra tại TP Đà Nẵng), đạo diễn Đặng Bá Tài cũng trăn trở: “Sự thiếu hụt đáng tiếc của đội ngũ sáng tạo, nhất là hai chuyên ngành tác giả, đạo diễn là điều đáng báo động trong ngành Tuồng hiện nay”.
Tìm giải pháp lấp đầy khoảng trống
Để giải quyết vấn đề quan trọng là kịch bản sân khấu, năm 2022, Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Đà Nẵng đã phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP ấn hành 2 tập sách: Kịch bản dân ca Khu 5; Nhạc dân ca Bài Chòi và Tuồng. Đây là hai công trình được sưu tầm, chọn lọc và biên tập công phu, trong đó, cuốn Nhạc dân ca Bài Chòi và Tuồng giới thiệu chi tiết về các loại nhạc cụ, bản nhạc, là tư liệu quý giúp cho nhạc công biểu diễn tốt hơn; còn cuốn Kịch bản dân ca Khu 5 tuyển chọn những kịch bản hay của các nghệ sĩ nổi tiếng, gần gũi với người dân để phục vụ phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Được biết, hiện hai công trình đã được chuyển đến các cơ sở văn hóa, thể thao quận, huyện và các trường học trên địa bàn. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Nguyễn Thanh Tùng đề xuất: “Đà Nẵng cần tiếp tục sưu tầm các kịch bản hay để in thành sách, đồng thời 2 năm một lần tổ chức hội thi dân ca Bài Chòi và Tuồng ở khu vực miền Trung để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật sân khấu truyền thống của địa phương”.
Hiện Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng có hơn 50 diễn viên, nhạc công; trong đó có hơn 10 người là NSND, NSƯT dày dạn kinh nghiệm, còn lại là các diễn viên, nhạc công trẻ, được đào tạo bài bản. Để tăng cường đội ngũ diễn viên, Nhà hát đã được TP Đà Nẵng quyết định bổ sung kịp thời 12 biên chế, là những diễn viên trẻ tốt nghiệp tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đầu quân vào Nhà hát, các em đã được đơn vị tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình, hội thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp để nâng cao chuyên môn, kỹ năng biểu diễn. Với ưu thế này, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn khẳng định, trong vòng 15 năm tới, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị không cần phải thay đổi, tăng cường.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, trong các cách thức phát huy giá trị di sản nghệ thuật dân tộc thì gắn với phát triển du lịch là khả thi và đạt được nhiều kết quả. Do vậy, TP Đà Nẵng nói chung và những người làm văn hóa, du lịch nói riêng cần “vắt óc sáng tạo” để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp mà không đánh mất bản sắc văn hóa; tuyên truyền, phổ biến để nâng cao năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cho người dân. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng nhất để bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian là đưa Tuồng và Bài Chòi vào trường học, trở thành bộ môn đào tạo trong Trường Cao đẳng nghệ thuật Đà Nẵng, đi đôi với việc truyền nghề trực tiếp từ những nghệ sĩ, nghệ nhân…
Nhà nghiên cứu Võ Hà, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nêu ý kiến: “Cần có chương trình để phát triển Tuồng thực sự trở thành bộ môn văn hóa đặc trưng của Việt Nam nói chung và xứ Quảng nói riêng, để làm sao nó là một sản phẩm du lịch cần phải xem của du khách khi đến Việt Nam. Đồng thời, nó cũng cần được biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của đất nước như đã từng có trong lịch sử. Thứ đến, đề xuất các cơ quan Trung ương nghiên cứu đưa Tuồng vào chương trình truyền hình quốc gia thay thế cho một trong số chương trình năm nào cũng có nhưng đã không còn phù hợp”.
MINH CHÂU